Tác dụng của kính mắt
Kính đeo mắt có tác dụng cải thiện thị lực, đặc biệt đối với những người bị tật khúc xạ. Tuy nhiên không phải tất cả những người bị tật khúc xạ đều phải sử dụng kính. Nếu viễn thị, chỉ nên điều chỉnh kính khi viễn thị từ 3D trở lên (nhưng nếu có lác trong hoặc có một số triệu chứng chủ quan thì viễn thị dù thấp vẫn nên được điều chỉnh kính)
Đối với cận thị, dù là cận thị nhẹ nhưng thị lực vẫn giảm và cần phải đeo kính. Còn đối với loạn thị, nên đeo kính điều chỉnh khi có loạn thị từ 1D trở lên. Kính mắt có tác dụng phòng chống nhược thị. Khi người bệnh có tật khúc xạ, nếu không điều chỉnh kính, hình ảnh sẽ không rõ nét và hoàng điểm của mắt đó dễ bị ức chế dẫn đến nhược thị. Nếu tình trạng này được phát hiện và điều chỉnh kính sớm thì sẽ phòng tránh được nhược thị.
Trong nhiều trường hợp, người bị lác có thể sử dụng kính đeo kết hợp với lăng kính để điều trị và duy trì sự phối hợp thị giác hai mắt. Ở một số hình thái như lác trong điều tiết, lác ngoài, việc điều trị bằng kính đeo là gần như bắt buộc. Ngoài các tác dụng trên, kính mắt còn giúp bảo vệ mắt tránh gió bụi và các tia có hại. Nếu biết cách lựa chọn gọng và kiểu dáng phù hợp, kính đeo còn có giá trị thẩm mỹ cho người sử dụng.
Người ta phân ra nhiều loại kính đeo mắt như kính trắng đơn thuần, kính màu. Trong đó, kính trắng nói chung được dùng phổ biến hơn (nhiều người không có tật khúc xạ cũng dùng kính trắng không độ để bảo vệ mắt). Kính màu (kính râm) là những kính bảo vệ mắt chống lại một phần hay toàn bộ các tia có hại. Có nhiều loại kính màu như màu nâu, màu xanh hay màu đen, màu xám. Thường người bị cận thị ưa dùng kính màu nâu, còn người viễn thị thích mắt kính màu xanh.
Người ta cũng có thể phân ra kính đơn tròng, hai tròng hay đa tròng. Việc lắp đặt kính đơn tròng thì đơn giản nhưng đối với kính hai tròng thì yêu cầu lắp đặt phức tạp hơn. Còn với kính đa tròng, gần đây đã được áp dụng với một số ưu năng nhưng chưa được sử dụng rộng rãi.
Một cặp kính mắt tốt phải đạt chất lượng ở cả phần gọng và mắt kính. Trong đó, phần gọng kính tốt phải đạt các tiêu chuẩn về độ dài của càng kính, độ nghiêng của kính và có chỗ (cầu) tỳ mũi phù hợp. Gọng kính có thể được sản xuất bằng chất dẻo tổng hợp hoặc bằng kim loại nhưng cần phải đáp ứng các yêu cầu: cứng chắc nhưng nhẹ, không dễ bị méo, thích ứng hoàn toàn với mắt khi nhìn xa và nhìn gần.
Để có cặp kính “tốt bền vững”, người có mồ hôi muối nồng độ cao, người làm việc trong môi trường hoá chất hay trẻ em nên dùng kính nhựa. Sở dĩ như vậy là tránh gọng kính bị oxy hóa và hạn chế việc rơi hỏng kính, gãy kính. Mắt kính phải đạt những yêu cầu như: đúng công suất kính, tâm của mắt kính phải trùng với trục thị giác, mắt kính phải tạo ra góc 15 độ so với mặt phẳng đứng và khoảng cách từ mặt sau của mắt kính đến mắt là 12mm. Dù mắt kính được làm bằng thủy tinh hay nhựa thì vẫn phải đạt các yêu cầu: đồng nhất và trong suốt, có độ bền tốt, không dễ vỡ, không dễ xước, nhẹ, có những tính năng ngăn tia UV, chống chói, chống lóa, chống bám hơi nước …Ngoài hai yêu cầu về gọng kính và mắt kính như kể trên, một một cặp kính tốt cũng phải có kích thước, khuôn mẫu và màu sắc phù hợp với từng người.
Để có một cặp kính tốt, việc quan trọng nhất là thầy thuốc phải đo khúc xạ thật chính xác và đáp ứng được nhu cầu của người có nhu cầu đeo kính. Muốn làm được điều này yêu cầu thầy thuốc phải tuân thủ tốt chu trình đo khúc xạ, có trình độ và cần có sự phối hợp tốt của người bệnh. Bên cạnh đó người bệnh cần được thăm khám và hỏi tiền sử bệnh kỹ càng để phát hiện những bệnh mắt và toàn thân khác phối hợp để có chỉ định điều trị phù hợp
Tin khác
Tin tức - sự kiện
Video clips
Khách hàng nói gì về kính mát Đăng QuangÝ kiến khách hàng